TẠI SAO THUYỀN NAN

Tại sao mình đặt tên mắm là Thuyền Nan?

Logo Thuyền Nan

Logo Thuyền Nan

Thứ nhất: Thuyền Nan là biểu tượng  truyền thống văn hóa sông nước của người Việt Nam. Thuyền nan được làm từ cật tre già, bên ngoài trám bởi cỏ khô trộn bùn và được phủ chắc chắn bởi một lớp rái (nhựa đường).

Thuyền Nan ngày nay ít được sử dụng vì giá tre cao (mỗi chiếc thuyền được làm từ 6-8 cây tre cật già), tốn gần 2 tháng để hoàn thành, lại không được đi xa.

 

Nước mắm truyền thống cũng tương tự như vậy, cá phải là cá cơm tươi đánh bắt vào mùa xuân, được ủ chín trong suốt mùa hè và chắt chiu từng giọt,  được gọi là kết tinh của biển cả.

Dù thuyền nan ngày càng ít phổ biến nhưng nó là khởi thủy của tất cả các loại thuyền. Dù nhiều nước sản xuất được mắm, nhưng các nghiên cứu trên thế giới từ năm 1919 đều khẳng định Việt Nam là khởi thủy của sản xuất mắm. Điều đó chứng tỏ ông cha ta rất sáng tạo trong việc nghĩ ra cách bảo quản tôm cá vừa tiện, rẻ, an toàn và đặc biệt rất tốt cho sức khỏe.

Do vậy Thuyền Nan muốn gắn các sản phẩm được chế biến theo phương pháp lên men thủ công, truyền thống với hình tượng  chiếc thuyền nan Thuyền Nan, cho thế hệ chúng ta và cho thế hệ mai sau, để tốc độ mai một của nét văn hóa này chậm lại.

 

Tiếp sức của hành trình tiếp sức

Tiếp sức của hành trình tiếp sức

Thứ hai: Thuyền Nan có ý nghĩa đặc biệt với bản thân và gia đình mình.

Mình là chị cả trong gia đình có 7 chị em, làm nghề chai lưới trên sông Thạch Hãn, Quãng Trị. Mùa hè ba  mình đánh bắt được rất nhiều tôm cá, mẹ mình làm mắm dự trữ và dùng dần trong suốt mùa đông. Mắm nuôi chị em mình khôn lớn và giúp gia đình mình vượt qua  những ngày tháng cơ hàn, nên mình thương mắm lắm.

 

Từ chiếc Thuyền Nan trên sông Thạch Hãn ấy, mình đỗ thủ khoa vào đại học. Cũng từ chiếc Thuyền Nan ấy mình đến nước Úc bằng học bổng Năng lực lãnh đạo của Chính phủ Úc. Mình quay trở về để phát triển thương hiệu Mắm Thuyền Nan của quê hương, đó là hành trình không mệt mỏi của mình và gia đình trong suốt 20 năm qua. Và chắc chắn, hành trình này không dừng lại ở đó …

Đằng sau nó là một hành trình gần 10 năm. Là chị cả trong gia đình 7 chị em ở Ái Tử, mơ ước của mình là học xong cấp 3 sẽ ở nhà đi làm lò gạch, làm nghề cắt tóc hay đi bán tôm cá ở chợ Hôm với mẹ mình. Vì mình biết có đậu đại học mình cũng không đi học được vì trong gia đình không bao giờ có 500,000 là sinh hoạt phí tối thiểu một tháng tại thời điểm đó. Mình đã khóc ướt gối rất nhiều đêm vì tủi thân.

Mình thi rớt đại học năm 2003 rồi đi làm lò gạch thiệt. Làm chưa được 4 ngày, mình đuối sức quá và tự hỏi “Đây có phải là tương lai của mi không Hằng”. Rồi tự trả lời “Không”, mình bỏ làm lò gạch, không nhận tiền công và quyết tâm ôn thi lại. Năm sau mình thi đỗ thủ khoa vào ĐH Nông Lâm Huế 26/30.

Mình còn nhớ hôm đó mình cùng em gái đi chợ Thị xã Quảng Trị mới có Internet để coi điểm thi, biết đậu cao hai chị em mừng lắm, cứ giật giật cái khăn bịt mặt nhảy tưng tưng trên đường Trần Hưng Đạo, nhưng về nhà không dám nói với ba mạ vì biết có thi đậu cũng ở nhà.

Rất may mắn, mình được nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi trẻ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Trị ở TP Hồ Chí Minh tài trợ, với số tiền 2,5 triệu đồng. Và người viết bài về mình là Nhà báo Lê Đức Dục, phóng viên báo Tuổi trẻ tại Quảng Trị, và chú tiếp tục theo dõi, hỗ trợ mình trong suốt thời gian sau đó. Nhận được học bổng, mình mừng lắm, theo xe của báo Tuổi trẻ vào Huế ngay trong đêm nhận học bổng để kịp sáng mai nhập học.

Mình nhớ như in cảm giác của mình hôm đó, ngày 18.9.2004. Mình nộp 900,000 tiền học phí, tiền ký túc xá cho cả năm. Các năm sau mình học tốt lắm nên được học bổng của trường, Odon Vallet , JBAV…và mình đi dạy kèm môn Toán 11 nên đã qua thời sinh viên và có thật nhiều kỹ niệm đẹp với thầy cô và bạn bè.

Khi nhận học bổng này, mình tự hứa với bản thân, khi có điều kiện sẽ quay lại giúp các em đi sau và đây chính là thời điểm để mình thực hiện nguyện vọng đó. Bắt đầu từ năm 2013, mỗi năm mình và các bạn của mình  hỗ trợ 5 em học trò nghèo Quảng Trị, thi đỗ vào Đại học nhưng gia đình khó khăn không có điều kiện đến trường.

Mình tin vào sức mạnh của giáo dục, đặc biệt là giáo dục cho phụ nữ. Mình có được ngày hôm nay là nhờ ba mẹ mình đã không phân biệt con gái con trai, cho mình được đến trường trong khi gia đình quá khó khăn, và rất nhiều người đã giúp đỡ mình trên hành trình đó.

Mình đang nỗ lực để tạo sự thay đổi đó bằng cách tư vấn, hỗ trợ cho 3 bạn nộp hồ sơ thành công học bổng đi du học mỗi năm, với hy vọng Việt Nam có một tương lai tươi sáng hơn và mình tin sẽ có rất nhiều bạn cùng đồng hành với mình.

Cám ơn các bạn đã ủng hộ mình thật nhiều trong suốt thời gian qua 🙂

Hằng Mắm Ruốc

 

————————————————————————–

Bạn muốn biết?

Từ trái qua: Mắm nêm - Mắm ruốc ủ 3 năm - Mắm nhĩ nguyên chất - Mắm chắt từ ruốc- Nước mắm cho trẻ em

Từ trái qua: Mắm nêm – Mắm ruốc ủ 3 năm – Mắm nhĩ nguyên chất – Mắm chắt từ ruốc- Nước mắm cho trẻ em

TẠI SAO ĐẶT TÊN MẮM LÀ THUYỀN NAN?

LỢI ÍCH VÀ ĐIỂM KHÁC BIỆT CỦA SẢN PHẨM

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI TRÊN CẢ NƯỚC

THUYỀN NAN VÀ CÁC CƠ QUAN TRUYỀN THÔNG

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NHÀ PHÂN PHỐI

CHÍNH SÁCH  HỖ TRỢ CỘNG TÁC VIÊN BÁN HÀNG

 

 

Cám ơn các bạn !

Hằng Mắm Ruốc

 

Leave a Reply